вторник, 22 декабря 2009 г.

Nồi canh bị đái

Tôi có ông chú ruột sinh năm 1968 rất tiết kiệm lời, hệt Ada câm để không phải nói những điều ngu xuẩn trong "The Piano". Bà nội nói bà mang thai chú vào đúng thời kỳ chạy loạn bom Mỹ những năm cuối 1960, nên tiếng vọng của những sự kiện ngoại cảnh là vậy đấy. Chú bật nói chỉ vào năm lên bẩy. Trước đó cả nhà thậm chí đã kịp cam chịu ý nghĩ rằng đứa con út trong gia đình sinh ra bị câm. Bố tôi kể, cả nhà lắng nghe từng cử chỉ, biểu hiện của chú, để đoán, nghĩ thay chú, chạy đua xem ai về đích đầu tiên trong marathon thỏa mãn bất kỳ kỳ vọng nào của thằng em út không may. Ăn hết bát, chỉ cần chú, không một lời, chìa chiếc bát không ra, tất cả các bàn tay từ tứ phía đã giơ ra đón lấy. Khôi ngô nhất nhà, chú là người con duy nhất không có học vấn đại học. Không phải chú không phát triển về trí lực. Phản xạ nói bị tổn hại, khi đi học, chú bị các giáo viên trù úm: ai mà chịu được, khi gọi học sinh trả bài, mà như lấy xà beng cậy miệng. Chú bị bạn cùng lớp bắt nạt, cô giáo chủ nhiệm xúc phạm, bạt tai... Không một lời giải thích ở nhà, chú tự tìm cho mình lối thoát: sáng sáng cắp sách ra khỏi nhà, song không đến trường. Không biết cảnh điền viên tiếp diễn bao lâu, cho đến một hôm bà nội nảy ý nghĩ yêu cầu chú cho xem học bạ.

Một trận kinh thiên động địa xảy ra. Số là ông bà nội tôi có cả thảy sáu người con. Bốn trai, hai nữ. Rồi họ hàng nội, ngoại của họ. Bạn bè của họ. Người quen, tình nhân, bạn cùng lớp, bạn của bạn cùng lớp... của họ. Tóm lại, hiệu trưởng trường phải giấu đi một thời gian cô chủ nhiệm lớp. Thấy chưa, đông đàn dài lũ ở CHXHCNVN có lợi chưa. Con đông thay lương lưu, thay cả công an, luật pháp. Ở châu Âu chỉ bọn điên nảy ý ngông xúc phạm người già, người cô đơn, tàn tật... Thậm chí nếu có chuyện ngược đãi, chỉ cần gọi 07, nếu ở Moscow: sau 5 phút công an đã lừng lững đứng sau cửa. Còn làm công dân CHXHCNVN mà thử không có con. Một bà người quen của gia đình, không con, bị hàng xóm thoả thuận với công an hộ khẩu lừa chiếm của bà không những mảnh sân trước cửa, cả quyền sở hữu căn phòng của chính bà.

Quay trở lại chuyện ông chú của tôi trước khi ông bật nói. Hồi đó người Hà Nội đi sơ tán. Gia đình sống trong nhà một người quen ở ngoại thành Hà Nội, xuất thân địa chủ, đã hoàn toàn phá sản thời cộng sản. Buổi trưa, gia đình chủ nhà dọn cơm ăn, thật vô phúc, đúng nơi ông chú tôi đang thẩn thơ. Quen được chiều chuộng và nghĩ hộ, thay vì gọi người lớn đưa đi tiểu tiện, chú "chĩa vòi" tè luôn vào nồi canh gần nhất. Lẽ hiển nhiên, ai điên để sung sướng vì sự kiện đó! Nể khách Hà Nội quá, chủ nhân không dám nặng lời. Đổ canh đi, thì không còn gì để ăn. Họ dùng thìa vớt vát gì đó, và nhắm mắt ăn, tỏ vẻ như không có chuyện gì xảy ra.

Với hai từ "Việt Nam" cũng thế, từ khi nó trở thành CHXHCNVN, hệt nồi canh bị ông chú tôi tè vào. Ở châu Âu hai từ này giờ đồng nghĩa với điều gì thấp hèn, không xứng đáng, gây phản ứng nhăn mặt, như khi bạn dọn tiệc bên bồn ỉa, hay lấy gái di gan làm vợ... Trong thái độ đối xử với người Việt không ai phân biệt ai là người Việt lương thiện, tử tế, hay bất lương, Việt cộng... Người ta chỉ cần biết "người Việt", chính xác hơn công dân CHXHCNVN - bản án được coi như bất khả kháng. Điều đó thật bất công, song cũng bất công y như các trai làng mất gốc gán ghép cho cả Việt Nam chế độ cộng sản. Có ai hỏi ý kiến chúng ta đâu! Sự bất công này nảy sinh sự bất công khác.

суббота, 19 декабря 2009 г.

Tháp Tatlin


http://art.1september.ru/2005/18/no18_2.htm

Elena Medkova

Mọi người trên trái đất có một ngôn ngữ và lời nói như nhau...
Và họ nói: chúng ta sẽ xây cho mình một thành phố và một tháp cao đến tận trời.
Sự sống. 11

Xã hội Nga hiện đại không ngừng tìm kiếm ý tưởng chung thâu tóm tinh thần dân tộc. Giới sáng tác cũng không kém băn khoăn sự thiếu vắng những ý tưởng độc đáo. Mong muốn xây một biểu tượng kiến trúc mang tính toàn Nga thì có, song không ai có khái niệm rõ nó phải như thế nào và biểu tượng điều gì. Để thực hiện những kế hoạch đầy tham vọng xây toà nhà cao nhất châu Âu với tên gọi kiêu hãnh "Liên bang" các chuyên gia và kiến trúc sư nước ngoài được mời tới Moscow. Tuy nhiên trong một đề án người ta thấy hình một nửa ốc xoắn quanh một cột buồm nóc nhọn trông rất quen. Phương Tây nhớ rõ những bài học và di sản trường phái avangard tiên phong Nga đầu thế kỷ XX và trải qua một thế kỷ người ta trả nó lại cho chúng ta dưới dạng chú dẫn ẩn dụ di sản của chính chúng ta, khiến suy ngẫm về những cơ chế nảy sinh ra những ý tưởng nghệ thuật vĩ đại.

Bản vẽ đài tưởng niệm Quốc tế cộng sản III của Tatlin, được ông gọi đơn giản là "tháp", xuất hiện trong một nước Nga nửa đói khát và phá sản bởi hai cuộc chiến tranh và một cuộc cách mạng và trở thành con én đầu tiên báo hiệu hứng khởi sáng tác kiến trúc cách tân hùng vĩ ở Nga, cũng như ở phương Tây. Công trình kỳ vĩ theo ý tưởng của mình, cao 400 mét, bao gồm một cột buồm tháp nhọn, hai lò xo xoắn bằng thép, hướng lên trời và một khối lập phương dung tích pha lê, một khối kim tự tháp, một trụ xilanh và một bán cầu được treo giữa chúng, đã phá vỡ mọi khái niệm truyền thống về kiến trúc và nhờ đó gây tiếng vang toàn thế giới và trở thành biểu tưởng độc đáo, kích thích tư duy sáng tạo cho các kiến trúc sư hiện đại đến tận thời của chúng ta.

Điều thú vị nhất là những ý tưởng của Tatlin đến tận nay vẫn không được biến thành hiện thực đầy đủ. Chúng được nhận ra dưới dạng những chi tiết riêng lẻ trong biểu tượng hình học tổ hợp các toà nhà chính phủ ở thủ đô Brazil thành phố Brasilia (tác giả - Oscar Niemeyer), trong các cấu trúc cáp kéo của Trung tâm mang tên Georges Pompidou ở Paris, trong xoắn ốc khổng lồ của toà nhà The Solomon R. Guggenheim Museum ở New York, trong vẻ bề ngoài của đường cong phức tạp của nhà hát Opera ở Sidney. Còn ý tưởng về hiện tượng quay của một cấu trúc treo tự do trong không gian được thể hiện không phải trên trái đất, mà mới chỉ trong vũ trụ - trên một trạm vũ trụ quốc tế. Vậy cái gì đã dậy hứng Tatlin sáng tác, tính táo bạo của ý tưởng bắt nguồn từ đâu? Bỗng nhớ tới một tháp khác - tháp Vavilon, cũng không tưởng tương tự về ý tưởng, cũng là nguồn nạp điện khởi động sáng tạo phi thường tương tự từ ý tưởng chủ đạo và cũng là ước vọng không thành của loài người suốt 4 ngàn năm.

Lĩnh hội sự thống nhất của ngôn ngữ và lời nói, những thiên tài xây dựng đã nảy ra ý xây "một tháp cao tới tận trời xanh", để bằng cách đó "ghi dấu ấn bằng tên của mình" và củng cố sự thống nhất này ("để chúng ta không vương vãi trên mặt đất"). Tatlin vẽ ra cây tháp của mình, nhằm quy hợp lại sự thống nhất cả nhân loại từng bị đánh mất. Toà nhà - đài tưởng niệm phải bao hàm trong mình những cơ quan tối cao của nhà nước xã hội chủ nghĩa toàn thế giới - "Hội nghị đại biểu Công - Nông toàn cầu". Nó phải trở thành trung tâm thông tin thế giới, truyền tin thống nhất cho cả thế giới. Ngoài trung tâm tuyên truyền trong tháp phải có các phân ban cơ động mô tô, ô tô, một màn hình lớn, đài phát thanh "quy mô thế giới", "bưu điện và điện thoại và mọi phương tiện truyền thông khác", "trạm điều khiển đèn pha có khả năng chiếu lên nền trời những dòng chữ".

Những dòng chữ trên nền trời - một cái gì ngấm ngầm chống lại ý Chúa, phản đề "pha trộn các ngôn ngữ" và chia rẽ con người và đồng thời niềm tin thần bí vào sức mạnh của tiếng nói, được nhân lên bởi những khả năng kỹ thuật. Tiếng nói, như phát ngôn của đấng tạo hoá, có thể từ trời cao sa xuống cõi thế tục và cải hoá con người: "câu nói chắc nịch và súc tích của nhà hùng biện - cổ động viên và tiếp theo - tin cuối cùng, nghị quyết, nghị định thư, phát minh mới nhất, sự nảy sinh những ý tưởng mạch lạc và đơn giản, sáng tạo, chỉ sáng tạo...

"Những vật thể mới, nguồn gốc con người, dậy hứng sáng tạo những nhà xây dựng cổ đại bởi những khả năng và tính vô tận thực tiễn của chúng: "Và thế là người ta nói với nhau: chúng ta sẽ làm gạch và nung chúng bằng lửa. Và thế là người ta thay đá bằng gạch, lấy nhựa đường thay vôi". Đối với Tatlin "vật liệu cho chủ nghĩa tân cổ điển" là kim loại và kính, những vật liệu đòi hỏi "những tương quan vật thể mới nhằm mục đích đạt được những ứng suất mới và trên cơ sở đó đạt được hình thái phức tạp".

Tatlin hoàn toàn từ bỏ việc xây dựng các cấu trúc khung- dầm - trụ truyền thống, mang trong mình ngụ ý công thức khắc phục trọng lực và tính lạc hậu của vật liệu. "Phải khẳng định như một nguyên tắc... để đài tưởng niệm trở thành địa điểm giao thông căng thẳng nhất: điều ít nhất được làm trong đó là đứng và ngồi, bởi bạn luôn phải chuyển động cơ học..." Những ốc xoắn bằng thép của tháp tự nhiên hướng lên trời - trong bản thân hình ốc xoắn tiềm tàng ý chuyển động. Trực quan, chuyển động đó được bảo đảm bởi những cấu trúc tam giác, lấp đầy ốc xoắn hướng những góc nhọn lên phía trên, còn trong thực tế nó được thực hiện bởi nhiều thang máy điện, giúp liên kết những bộ phận riêng biệt của toà nhà. Khái niệm "chuyển động" được tư duy không chỉ ẩn dụ, mà còn hiện thực - các cầu thanh máy chuyển động, sự thăng hoa tự do trong không gian và các khối chính của toà nhà quay quanh trục tâm của mình tạo nên hình tượng nghệ thuật.

Theo giả thiết, tháp Vavilon sẽ vươn đến tận trời và, theo thuyết thần thoại, thay trục tâm vũ trụ, thống nhất hai thế giới Trời và Đất. Không phải ngẫu nhiên những tín đồ Do Thái cổ thấy ở đây một thái độ kiêu hãnh thái quá. Trong đó thấy rõ nguồn cảm hứng một công trình xây dựng quy mô đầu tiên, năng lượng thời kỳ đầu văn minh nhân loại. Giống chúa Trời, con người xây dựng, đo tác phẩm của mình bằng những nhịp điệu vũ trụ. Thế kỷ XX cũng được quan niệm như sự khởi đầu kỷ nguyên mới (cách mạng tháng Mười - như một trong những phương án). Ốc xoắn đôi của tháp Tatlin mang trong mình ý tưởng về cõi vô tận, vô tận của tiến bộ mà con đường cho nó được mở ra bởi sự thống nhất mọi dân tộc trong phạm vi hành tinh trên cơ sở hệ tư tưởng nhân văn mới.

Biểu tượng tính vô tận của tiến bộ và bức tranh vũ trụ ở điểm này may mắn trùng hợp nhau trong thế giới quan của thời đại và Tatlin. Ý tưởng xã hội được khích lệ bởi những quy mô vũ trụ. Chiếc cột buồm - rầm chìa chịu lực có độ nghiêng song song trục tâm trái đất. Khối lập thể đáy, biểu tượng trái đất, phải quay quanh trục của mình với tốc độ hành tinh, thực hiện chu trình năm theo quỹ đạo quanh mặt trời. Bán cầu đỉnh, biểu tượng bầu trời, trùng với vòng quay ngày đêm của trái Đất quanh trục của mình. Những mắt xích trung gian ( lăng trụ tam giác và trụ xilanh) thực hiện hết vòng quanh trong một tháng. Bản thân Thời gian được đan kết vào cơ cấu kiến trúc.

Việc xây tháp Vavilon bị đình chỉ theo ý Trời, đấng lẫn lộn mọi ngôn ngữ. Bản thân khái niệm "tháp Vavilon" trở thành điều ẩn dụ sự không hiểu nhau về nguyên tắc và sự xa lạ lẫn nhau của các dân tộc và sự không thể thực hiện một trong những viễn tưởng đầu tiên của nhân loại. Tuy nhiên, điều đó không hề cản con người trong suốt bốn ngàn năm tiếp tục những mưu toan chọc thủng bầu trời. Tháp Tatlin không thể xây được ở một nước nghèo khổ, phá sản, nơi khó khăn lắm mới có thể kiếm được ván và giấy cho bản vẽ. Số phận của mâu thuẫn ban đầu cũng đè nặng lên bản thân ý tưởng đài tưởng niệm Quốc tế cộng sản III, cũng như lên chủ nghĩa trừu tượng nảy sinh ra chủ nghĩa biểu tượng hình thức của nó.

Vấn đề ở chỗ chủ nghĩa trừu tượng, mà Tatlin từ đó đi ra, một mặt cố gắng có được những phương tiện biểu hiện nghệ thuật tối đa, mặt khác hạn chế chúng tới mức không số, tới mức trường hoạt động "Tịnh không" của mình. Khó nói gì thêm bằng ngôn ngữ "hình vuông đen". Mặt khác, những thuộc tính sở hữu tột cùng (những thể, khối hình học, những gam màu cục bộ v.v...) được gán cho ý nghĩa biểu tượng đa nghĩa đến vô tận, biến chúng trở nên đối lập nhau "Tịnh không - Tất cả".

Tatlin trải qua thử thách của trường phái hình thức trừu tượng "Con số không" và bước ra hiện thực của cấu trúc và vật thể, song sa phải bẫy của phương án xã hội "Tất cả và Tịnh không". "Ai không là ai, người đó sẽ thành tất cả" - công thức tư tưởng hệ của trật tự xã hội mới. Tatlin quan niệm ngọn tháp của mình như một vật thể sống ("nó phải tuyệt đối đơn nhất"), biết nói, hấp dẫn đại đa số quần chúng ("nó phải có sức chứa tối đa") và cải hoá họ theo tiêu chuẩn hệ tư tưởng mới ("nó phải hấp dẫn bạn ngoài ý muốn của bạn...ngòi nổ của những ý tưởng rõ ràng và đơn giản...") Cải hoá cưỡng bức bản chất con người vì sự thống nhất loài người - ý tưởng vô vọng và, như kinh nghiệm tiếp đó chỉ ra, nguy hiểm, song kỳ vĩ. Trong đó - tiềm năng đối lập "Tất cả - Tịnh không". Số mệnh con người là như thế - phát triển thông qua giải quyết những mâu thuẫn không thể giải quyết. Chỉ chúng mới nảy sinh những ý tưởng nghệ thuật mang sức mạnh và vẻ đẹp khôn xiết.

Người dịch: theviewingplatformLTM

воскресенье, 13 декабря 2009 г.

Văn minh và man rợ

Tôi có thói quen xem TV câm, tức bỏ tiếng và chỉ xem hình. Đêm hôm qua, bật TV trước khi tắt đèn đi ngủ, tình cờ bật sang kênh ''EuroNews'', đúng lúc bắp gặp cảnh quay về một phiên toà.

Một người đàn ông bé nhỏ, có tuổi, vẻ mặt kiệt sức, với hai cảnh sát xách nách hai bên: họ không phải đơn giản dẫn độ bị cáo vào toà, mà dùng bạo lực lôi đẩy ông ta vào chỗ mà qua vẻ mặt của ông tôi hiểu ông không muốn ngồi vào ghế phạm nhân.

Thoạt tiên, tôi nghĩ: lại lục địa đen man rợ, vì chỉ chú ý tới nước da đen ngòm trên mặt các cảnh sát. Không, các mặt mẹt rõ ràng châu Á: chắc lại Burma với chế độ độc tài quân sự và những cảnh bạo lực vi phạm nhân quyền quá quen thuộc đến nhàm chán!





Tôi bật tiếng, và nghe thấy lời bình: toà án CHXHCNVN xử linh mục Nguyễn Văn Lý, đúng đoạn ông hô ''Đả đảo cộng sản VN!'', và bị một tay công an khác đứng ngay sau ông dùng tay bịt luôn miệng.



Khi người Việt chạy tị nạn sang các lãnh thổ châu Á như Hồng Kông, Indonesia, Malasia..., và lại chịu sự bất công kế tiếp ở đó từ phía dân chúng và nhà cầm quyền, tôi luôn nghĩ: tại sao, tránh vỏ dưa để lại gặp vỏ dừa, người Á như người Việt lại bỏ chạy sang sống với người Á?

Trong từ điển tiếng Nga, từ ''aziat'' vừa có nghĩa là ''người châu Á'', vừa có nghĩa là ''người man rợ'', ''thằng mọi''.

Trong ''Indochine'' của Regis Wargnier có cảnh cảnh sát Pháp đến hỏi một đám dân chúng toàn đàn bà nông thôn Việt Nam, răng đen, nhai trầu, vấn tóc, đội nón, có biết Camille cùng người lính Pháp trốn đi đâu không, thì cả đám đông ùa lên phản ứng như một rừng rậm của các thổ ngữ, của ngón tay chỉ trỏ về bốn phương tám hướng.

Người Pháp hiểu rất rõ về người Việt. Song người Pháp, cũng như người Mỹ, đã thua trận. Người nông dân Việt Nam luôn chiến thắng, bởi không thể đánh bại được sự man rợ. Và cộng sản nông dân Việt Nam tận dụng triệt để đặc tính này. Và lấy gốc man rợ làm động lực cho sự tồn tại của chế độ cộng sản kinh tởm nhất có thể có trong lịch sử loài người.

Những mục sư Nguyễn Văn Lý, thật nghịch lý và đáng tiếc, vô ích, và vô nghĩa đấu đầu với bọn man rợ cộng sản.

Vô ích sự đối đầu của văn minh và man rợ.
Vô ích sự đối đầu của nhân phẩm và bầy đàn.