вторник, 22 декабря 2009 г.

Nồi canh bị đái

Tôi có ông chú ruột sinh năm 1968 rất tiết kiệm lời, hệt Ada câm để không phải nói những điều ngu xuẩn trong "The Piano". Bà nội nói bà mang thai chú vào đúng thời kỳ chạy loạn bom Mỹ những năm cuối 1960, nên tiếng vọng của những sự kiện ngoại cảnh là vậy đấy. Chú bật nói chỉ vào năm lên bẩy. Trước đó cả nhà thậm chí đã kịp cam chịu ý nghĩ rằng đứa con út trong gia đình sinh ra bị câm. Bố tôi kể, cả nhà lắng nghe từng cử chỉ, biểu hiện của chú, để đoán, nghĩ thay chú, chạy đua xem ai về đích đầu tiên trong marathon thỏa mãn bất kỳ kỳ vọng nào của thằng em út không may. Ăn hết bát, chỉ cần chú, không một lời, chìa chiếc bát không ra, tất cả các bàn tay từ tứ phía đã giơ ra đón lấy. Khôi ngô nhất nhà, chú là người con duy nhất không có học vấn đại học. Không phải chú không phát triển về trí lực. Phản xạ nói bị tổn hại, khi đi học, chú bị các giáo viên trù úm: ai mà chịu được, khi gọi học sinh trả bài, mà như lấy xà beng cậy miệng. Chú bị bạn cùng lớp bắt nạt, cô giáo chủ nhiệm xúc phạm, bạt tai... Không một lời giải thích ở nhà, chú tự tìm cho mình lối thoát: sáng sáng cắp sách ra khỏi nhà, song không đến trường. Không biết cảnh điền viên tiếp diễn bao lâu, cho đến một hôm bà nội nảy ý nghĩ yêu cầu chú cho xem học bạ.

Một trận kinh thiên động địa xảy ra. Số là ông bà nội tôi có cả thảy sáu người con. Bốn trai, hai nữ. Rồi họ hàng nội, ngoại của họ. Bạn bè của họ. Người quen, tình nhân, bạn cùng lớp, bạn của bạn cùng lớp... của họ. Tóm lại, hiệu trưởng trường phải giấu đi một thời gian cô chủ nhiệm lớp. Thấy chưa, đông đàn dài lũ ở CHXHCNVN có lợi chưa. Con đông thay lương lưu, thay cả công an, luật pháp. Ở châu Âu chỉ bọn điên nảy ý ngông xúc phạm người già, người cô đơn, tàn tật... Thậm chí nếu có chuyện ngược đãi, chỉ cần gọi 07, nếu ở Moscow: sau 5 phút công an đã lừng lững đứng sau cửa. Còn làm công dân CHXHCNVN mà thử không có con. Một bà người quen của gia đình, không con, bị hàng xóm thoả thuận với công an hộ khẩu lừa chiếm của bà không những mảnh sân trước cửa, cả quyền sở hữu căn phòng của chính bà.

Quay trở lại chuyện ông chú của tôi trước khi ông bật nói. Hồi đó người Hà Nội đi sơ tán. Gia đình sống trong nhà một người quen ở ngoại thành Hà Nội, xuất thân địa chủ, đã hoàn toàn phá sản thời cộng sản. Buổi trưa, gia đình chủ nhà dọn cơm ăn, thật vô phúc, đúng nơi ông chú tôi đang thẩn thơ. Quen được chiều chuộng và nghĩ hộ, thay vì gọi người lớn đưa đi tiểu tiện, chú "chĩa vòi" tè luôn vào nồi canh gần nhất. Lẽ hiển nhiên, ai điên để sung sướng vì sự kiện đó! Nể khách Hà Nội quá, chủ nhân không dám nặng lời. Đổ canh đi, thì không còn gì để ăn. Họ dùng thìa vớt vát gì đó, và nhắm mắt ăn, tỏ vẻ như không có chuyện gì xảy ra.

Với hai từ "Việt Nam" cũng thế, từ khi nó trở thành CHXHCNVN, hệt nồi canh bị ông chú tôi tè vào. Ở châu Âu hai từ này giờ đồng nghĩa với điều gì thấp hèn, không xứng đáng, gây phản ứng nhăn mặt, như khi bạn dọn tiệc bên bồn ỉa, hay lấy gái di gan làm vợ... Trong thái độ đối xử với người Việt không ai phân biệt ai là người Việt lương thiện, tử tế, hay bất lương, Việt cộng... Người ta chỉ cần biết "người Việt", chính xác hơn công dân CHXHCNVN - bản án được coi như bất khả kháng. Điều đó thật bất công, song cũng bất công y như các trai làng mất gốc gán ghép cho cả Việt Nam chế độ cộng sản. Có ai hỏi ý kiến chúng ta đâu! Sự bất công này nảy sinh sự bất công khác.

Комментариев нет:

Отправить комментарий